04:02 ICT Thứ tư, 04/12/2024
Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển nhiệt liệt chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024)!

DANH MỤC CHÍNH

LIÊN KẾT WEBSITE

Tỉnh đoàn Cà Mau
Cổng thông tin Cà Mau
Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau
Bộ Giáo dục & Đào tạo
Thư viện giáo án

Trang nhất » DMC » Khối Đoàn thể

Chào mừng ngày lễ

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM – NGƯỜI TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO MỌI THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Thứ hai - 03/02/2020 11:24
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM – NGƯỜI TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO MỌI THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM
 
 
Trần Việt Nhân
Tổ trưởng Tổ Sử - Địa - GDCD
 
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng, chính thức mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ nhất. Kế thừa truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm bất khuất của dân tộc, các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên cầm vũ khí chống giặc Pháp xâm lược với tinh thần bất hủ của anh hùng Nguyễn Trung Trực: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Các cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam diễn ra vô cùng mạnh mẽ, nối tiếp nhau, lớp này ngả xuống, lớp khác đứng lên, cuồn cuộn như những con sóng không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, do sự chênh lệnh về lực lượng và đường lối kháng chiến sai lầm của nhà Nguyễn, các cuộc đấu tranh của nhân dân ta đều lần lượt bị thất bại và bị thực dân Pháp dìm trong biển máu.
Năm 1884, nhà Nguyễn đã ký Pháp Hiệp định Patanốt, chính thức thừa nhận sự cai trị của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến độc lập thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vòng quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”. Không cam chịu thân phận nô lệ, các tầng lớp nhân dân Việt Nam lại đứng lên tiếp tục con đường tranh đấu cho độc lập, tự do. Từ ngọn cờ yêu nước theo tiếng gọi “Cần vương” của nhà vua trẻ yêu nước Hàm Nghi hay “hùm xám Yên Thế” của Hoàng Hoa Thám đến ngọn cờ cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản của các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… diễn ra vô vùng mạnh mẽ, sôi nổi, quyết liệt nhưng đều bị thất bại do sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo. Sự nghiệp cứu nước của dân tộc Việt Nam lâm vào cảnh “dường như trong đêm tối không có đường ra”. Yêu cầu tìm ra con đường cứu nước mới đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.
Đúng lúc ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước mới. Ngày 5/6/1911 với tên gọi Văn Ba, Người làm phụ bếp cho chiếc tàu buôn Latutsơtơrêvin (Latouche Tréville), rời bến cảng Nhà Rồng, vượt đại dương sang phương Tây, bắt đầu cuộc hành trình vạn dặm đi tìm đường cứu nước, cứu dân với một mong muôn duy nhất “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho nhân dân tôi”. Trong bài thơ – Người đi tìm hình của nước, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre
Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”.
Tháng 7/1920, sau hơn 10 năm buôn ba tìm đường cứu nước, đi qua nhiều châu lục, làm nhiều nghề để sống và để đi, Người đọc được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tìm thấy được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam – con đường cách mạng vô sản, con đường cách mạng tháng Mười Nga của Lênnin đã làm và thành công. Bắt gặp chân lí của thời đại, Người đã tích cực truyền bá vào Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cho sự ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam. Năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để trực tiếp chuẩn bị những điều kiện cho sự thành lập Đảng. Năm 1929, ở Việt Nam ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời. Từ ngày 6/1 – 7/2/1930, tại Cửu Long – Hương Cảng (Hồng Công – Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã chủ trị hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo (Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III – 9/1960, đã quyết định lấy ngày 3/2 dương lịch hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam).
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng có tổ chức chặt chẽ, đường lối đúng đắn, khoa học, có đội ngũ cán bộ kiên trung sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự chuẩn bị tất yếu quyết định đầu tiên cho mọi thắng lợi về sau của cách mạng Việt Nam.
Sau khi ra đời, Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng, giành chính quyền. Trải qua ba cao trào cách mạng 1930 – 1931, 1936 – 1939 và 1939 – 1945, Đảng ta đã chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho một cuộc vùng dậy của toàn dân tộc. Tháng 8/1945, nhân cơ hội Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ “ngàn năm có một” đã đến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và giành được thắng lợi nhanh chóng. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã bước từ địa vị nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, có quyền quyết định vận mệnh của mình; Đảng Cộng sản Đông Dương từ chỗ phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp đã trở thành đảng cầm quyền và ra hoạt động công khai. Việt Nam từ một nước thuộc địa mất độc lập tự do đã trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do hướng tới chủ nghĩa xã hội, kỷ nguyên nhân dân nắm chính quyền, làm chủ đất nước.
Sau khi giành được độc lập dân tộc, Đảng lại tiếp tục đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp với sự giúp sức của quân Anh đã nổ súng đánh chiếm trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Nhân dân Việt Nam lại phải bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm (1945 – 1954). Thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp với những chiến thắng vang dội ở Việt Bắc (1947), Biên giới (1950) mà nhất là chiến thắng lịch sử Điện Biện Phủ (1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) về Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ đã chấm dứt vĩnh viễn sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.
Sau 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, Pháp rút đi, đế quốc Mĩ đã nhảy vào, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mĩ.  Thời kì 1954 - 1975, với quyết tâm xâm lược bằng được Việt Nam, đế quốc Mĩ đã đưa vào Việt Nam một đội quân viễn chinh hơn 60 vạn tên gồm quân Mĩ và 5 nước đồng minh của Mĩ làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân đội Sài Gòn. Riêng về quân Mĩ, chúng đã huy động lúc cao nhất gần 70% lực lượng bộ binh, 60% thủy quân đánh bộ, hơn 30% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược và chúng đã tiêu tốn hơn 900 tỉ USD.  Có thể nói đây là một cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới với quy mô lớn nhất nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất và dã man nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Mĩ đã ngoan cố theo đổi cuộc chiến tranh Việt Nam suốt hai thập kỷ, qua 5 đời tổng thống, sử dụng hầu hết các chiến lược chiến tranh (trừ chiến tranh tổng lực), sử dụng hầu hết vũ khí hiện đại (trừ vũ khí hạt nhân) với những khoản chi phí chiến tranh khổng lồ.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mĩ xâm lược, giành độc lập tự do. Bằng đường lối đúng đắn, sáng suốt – đó là thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam (điều chưa có tiền lệ trong lịch sử quốc tế) và với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất, không ngại hy sinh gian khổ của nhân dân ta, cùng với sự giúp đỡ to lớn của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mĩ, giành thắng lợi vẻ vang. 11h30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, là một sự kiện có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
 Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam tưởng chừng được sống trong hòa bình vĩnh viễn để xây dựng đất nước sau chiến tranh nhưng không, sau đó kẻ thù mới lại xuất hiện, đe dọa hòa bình, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng phá hoại, gây khó khăn cho công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Chính vì thế, từ 1975 – 1986, Đảng lãnh đạo nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, vừa tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân Kherme đỏ ở biên giới Tây Nam (1978 – 1979) và quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc năm 1979 để bảo vệ độc lập dân tộc.
Năm 1986, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi và những khó khăn trong nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới đất nước, mở ra một bước ngoặt mới trong lịch sử dân tộc. Dưới đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, đất nước ta đã không ngừng đạt được những thành tựu to lớn. Bộ mặt đất nước không ngừng thay đổi, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, trật tự chính trị - xã hội ổn định, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Năm 2020 là năm tiến hành đại hội đại hội đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là năm Việt Nam đảm nhận vai trò kép (Uỷ viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước Việt Nam đạt được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay” (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng). Tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, năm 2020, năm Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 90 tuổi, nước Việt Nam tiếp tục giữ vững và phát triển cơ đồ đất nước, nâng cao vai trò và vị trí trên trường quốc tế./.

 

Tác giả bài viết: Thầy Trần Việt Nhân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Ngân hàng đề trực tuyến

Thituyensinh
Đề thi trường

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 8

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 7


Hôm nayHôm nay : 389

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 19748

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 5612862