07:23 ICT Thứ bảy, 05/10/2024
Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển nhiệt liệt chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 và 134 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5!

DANH MỤC CHÍNH

LIÊN KẾT WEBSITE

Tỉnh đoàn Cà Mau
Cổng thông tin Cà Mau
Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau
Bộ Giáo dục & Đào tạo
Thư viện giáo án

Trang nhất » DMC » Tin tức & Sự kiện » Tin về giáo dục

Chào mừng ngày lễ

TRẢI NGHIỆM CUỘC THI KHKT CẤP QUỐC GIA NĂM 2020

Thứ tư - 24/06/2020 15:37
TRẢI NGHIỆM CUỘC THI KHOA HỌC KỸ THUẬT CẤP QUỐC GIA HỌC SINH TRUNG HỌC NĂM HỌC 2019-2020 CỦA THẦY TRÒ TRƯỜNG THPT CHUYÊN PHAN NGỌC HIỂN
        Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học (VISEF) được Bộ GD-ĐT  triển khai từ năm học 2011 - 2012. Từ đó Bộ GD-ĐT đã cử học sinh tham dự cuộc thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) và các cuộc thi, hội trợ, triển lãm quốc tế về sáng tạo khoa học, kỹ thuật. Liên tục trong các cuộc Intel ISEF ở Mỹ những năm vừa qua, học sinh Việt Nam đã khẳng định khả năng nghiên cứu khoa học, kỹ thuật ở tầm quốc tế.
        Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2019 – 2020 diễn ra 2 ngày 19-20/06 tại trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, thành phố Đà Nẵng. Cuộc thi thu hút đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên cả nước tham gia với 67 đơn vị dự thi, 137 dự án. Trong số này có 120 dự án của học sinh THPT, 17 dự án của học sinh THCS. Kết quả có 11 dự án đạt giải nhất, 16 dự án đạt giải nhì, 21 dự án đạt giải ba và 27 dự án đạt giải tư.
Đơn cử một vài dự án thú vị, thu hút được sự chú ý của khách tham quan:
1. Dự án: “Ứng dụng Deep Learning trong chuẩn đoán ung thư di căn hạch qua mẫu sinh thiết mô hạch bạch huyết” của học sinh trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.


2. Dự án: “Thiết kế và xây dựng hệ thống xử lý rác thải nhựa thành nhiên liệu dầu, xăng, khí ga quy mô hộ gia đình” của học sinh trường THCS Thiết Kế, huyện Ba Thước, tỉnh Thanh Hóa.


3. Dự án: “Nghiên cứu hoạt tính sinh học IN VITRO và IN VIVO, thử nghiệm bào chế một số sản phẩm từ cao chiết ETHANOL ở lá và quả cây đủng đỉnh” của học sinh trường THPT Hậu Nghĩa, tỉnh Long An. Nội dung nghiên cứu của đề tài này được đăng trên tạp chí khoa học, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Tập 16, số 12, năm 2019.

4. Dự án: “Cảm nhận cuộc sống của trẻ em bán hàng rong người dân tộc thiểu số ở Sapa” của học sinh trường THPT Chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai.


       Ban giám khảo cuộc thi gồm 55 thành viên là các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín được mời đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trên toàn quốc và có sự tham gia của nhiều thành viên mới. Kết quả của các dự án được đánh giá thông qua 2 vòng chấm điểm: chấm quyển báo cáo tóm dự án nghiên cứu và chấm phỏng vấn trực tiếp thông qua trình bày poster. Từng thành viên trong ban giám khảo đã tiến hành chấm độc lập, làm việc qua nhiều vòng nhằm đánh giá được toàn diện cả năng lực viết báo cáo và khả năng trình bày và trả lời các câu hỏi của học sinh. Điều này bảo đảm tính công bằng, khách quan, sự nghiêm túc và vô tư trong đánh giá, chấm điểm.
      Cuộc thi năm nay nhận được sự quan tâm của nhiều trường đại học, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đến tham dự, trao phần thưởng và công bố tuyển thẳng vào bậc đại học của đơn vị mình đối với các thí sinh đạt giải.
      Các dự án đạt giải cao liên quan đến vấn đề môi trường; sức khoẻ cộng đồng, điều trị bệnh ung thư; quan tâm đến người yếu thế, thiếu may mắn trong xã hội như người mắc bệnh hiểm nghèo, người già, những người khuyết tật cần thiết bị hỗ trợ; thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm của học sinh trước những vấn đề của đời sống, xã hội ;… Đáng chú ý có những dự án tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo các sản phẩm hữu ích từ hoa, cỏ, cây có trong môi trường tự nhiên - nơi các em sống. 
11 giải nhất thuộc về THPT chuyên KHTN, ĐH KHTN (02 dự án); THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam; THPT chuyên Lào Cai; THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị; THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng; THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội; THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An; THCS và THPT Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh; THPT Nhơn Trạch, Đồng Nai; THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao giải cho các học sinh có dự án đạt giải nhất.
        Phát biểu bế mạc cuộc thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng từ việc xác định đề tài đến quá trình triển khai nghiên cứu đề tài, cho thấy nhiều em đã thực sự có phẩm chất và năng lực của nhà khoa học. Các ý tưởng sáng tạo của các em đã được hiện thực hóa và giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Những thành công bước đầu này mở ra một hướng phát triển mới cho giáo dục phổ thông. Ông nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học kỹ thuật khuyến khích các em quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống, liên hệ kiến thức học được ở trường phổ thông với thực tế sinh động của thế giới tự nhiên và xã hội, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức tổng hợp đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn; góp phần giáo dục STEM và tạo nền tảng cho các hoạt động khởi nghiệp trong tương lai. Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT phát động Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020 – 2021, sẽ được tổ chức tại Thừa Thiên Huế, dự kiến vào tháng 3 năm 2021.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành,              Giám đốc sở GD&ĐT Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận trao cờ đăng cai cuộc thi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020 – 2021 cho sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế.
       Để được tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2019 – 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã phát động sâu rộng đến tất cả các trường trung học và các phòng giáo dục trong toàn tỉnh từ đầu năm học 2019-2020. Các phòng Giáo dục và các trường trung học đã tiến hành chấm và tuyển chọn 2 dự án / đơn vị tham gia dự thi cấp tỉnh.
      Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và Liên Hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Cà Mau tổ chức chấm qua 2 vòng: Qua vòng Sơ khảo, đã chọn được 51 dự án ở 12 lĩnh vực, với hơn 90 thí sinh tham gia vòng Chung khảo được tuyển chọn từ 92 dự án đăng ký dự thi cấp tỉnh.
Kết quả chung cuộc gồm 4 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 22 giải tư. 4 giải nhất thuộc về học sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, Trường THPT Hồ Thị Kỷ và Trường THPT Quách Văn Phẩm. Trong đó, 4 giải nhất là dự án
- “Bộ thùng rác công cộng mở đóng nắp tự động thân thiện, giúp phân loại rác và tự động gửi thông báo khi thùng đầy rác, giải pháp cho đô thị thông minh.” của thí sinh Trương Diễm Quỳnh (lớp 10 chuyên Văn) và thí sinh Trần Hoàng Khương (lớp 12 chuyên Hóa), trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển;
- “Hệ thống thu năng lượng mặt trời tự động xoay hứng trực tiếp ánh nắng Mặt Trời, áp dụng cho các hộ gia đình có mái nhà nóc bằng” của thí sinh Huỳnh Kiến Phi và Trần Hải Nam (lớp 11 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển);
- “Fire Fighting” của thí sinh Sử Thanh Phú (lớp 10C, Trường THPT Hồ Thị Kỷ);
- “Nâng cao nhận thức học sinh THPT ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau về tác động của thể loại action và hentai trong Anime Nhật Bản” của thí sinh Lê Tuyết Nhi (lớp 11A3, Trường THPT Quách Văn Phẩm). 
Từ kết quả này, Ban tổ chức chọn 2 dự án tiêu biểu, gồm dự án “Bộ thùng rác công cộng mở đóng nắp tự động thân thiện, giúp phân loại rác và tự động gửi thông báo khi thùng đầy rác, giải pháp cho đô thị thông minh.” và dự án “Nâng cao nhận thức học sinh THPT ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau về tác động của thể loại action và hentai trong Anime Nhật Bản” để tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật vòng quốc gia diễn ra ngày 19-20/6/2020.
Kết quả tại cuộc khi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, dự án  “Nâng cao nhận thức học sinh THPT ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau về tác động của thể loại action và hentai trong Anime Nhật Bản” của em Lê Tuyết Nhi, trường THPT Quách Văn Phẩm nhận được giải tài trợ 5 triệu đồng.
Qua tham dự các Cuộc thi từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia, thầy trò trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển đã học hỏi và đút kết được nhiều kinh nghiệm quý báu:
1. Nhận thức rõ rằng, đây là sân chơi dành cho các em học sinh. Từ khâu hình thành ý tưởng → nghiên cứu tổng quan xung quanh vấn đề đặt ra → thiết kế các phương án và lựa chọn phương án tối ưu → thực hiện dự án → thực nghiệm và kiểm định dự án → viết báo cáo và giới thiệu kết quả nghiên cứu, đều là những hoạt động chủ động và chủ đạo của học sinh; giáo viên hướng dẫn là người phản biện và hỗ trợ để giúp các em phát triển ý tưởng và thực hiện được ý tưởng. Phải như vậy thì học sinh mới hiểu sâu sắc vấn đề mình đang thực hiện và có thể trả lời tốt các câu hỏi của Ban giám khảo; mới phát triển được năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực tự học và tự chủ; học đi đôi với hành, học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Góp phần vào thay đổi cách dạy, cách học, cách đánh giá; hướng đến học sinh làm được gì sau khi học.
2. Bên cạnh đó giáo viên cũng nhận thức được rằng sự phát triển của khoa học – công nghệ là không có điểm dừng và cần thiết của người thầy là dạy cách học. Hiểu được thực tế tất yếu như vậy, giáo viên phải vươn ra khỏi phạm vi đơn môn, nắm bắt công nghệ mới, hiểu rõ phương pháp nghiên cứu khoa học; tổ chức và thực hiện được các phương pháp và kỹ thuật dạy học hiện đại như: Giáo dục STEM theo chủ đề, STEM trải nghiệm và STEM gắn với nghiên cứu khoa học; Dạy học đảo ngược; Dạy học tích hợp liên môn;….
3. Hơn nữa, thầy trò trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển cũng đã nhận ra tầm quan trọng của việc kết nối nhà trường, gia đình và xã hội trong việc phát triển các dự án nghiên cứu khoa học của các em học sinh. Thực vậy, sự liên kết giữa nhà trường với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các Cơ sở gia công; các Sở, Trung tâm kiểm định và chuyển giao công nghê, với phụ huynh học sinh,… để thực hiện thành công các dự án, ý tưởng của học sinh là cần thiết. Phát triển tốt các mối quan hệ này sẽ góp phần làm nâng tầm hiểu biết và tạo điều kiện chiếm lĩnh tri thức của thầy trò các trường trung học về: xây dựng các mối quan hệ xã hội, phương pháp nghiên cứu khoa học, phương tiện và công cụ sản xuất tiến tiến mới,… Đặc biệt là thực hiện được ước mơ, hoài bão của các em học sinh; các em được hoàn thiện và phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực; hướng đến xã hội hóa giáo dục và học tập suốt đời.
       Trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia lần này xuất hiện nhiều đề tài, dự án hay, có giá trị mang tầm cỡ của những đề tài niên luận, luận văn Đại học và Thạc sĩ. Cho thấy hoạt động này đã góp phần mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy và học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường; tạo lập được mối liên hệ, đưa các nhà khoa học cùng các phòng thí nghiệm của các trường đại học, các viện nghiên cứu về gần với các trường phổ thông, tạo điều kiện để các nhà khoa học đầu ngành của các trường đại học, các viện nghiên cứu gặp gỡ các em học sinh phổ thông, hướng dẫn các em tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học... Qua đó thực hiện một cách sinh động phương châm của giáo dục hiện đại: học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn; kết hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Tác giả bài viết: Thầy Lê Công Nhã

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Ngân hàng đề trực tuyến

Thituyensinh
Đề thi trường

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 48

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 47


Hôm nayHôm nay : 1164

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 15319

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 5179325